Do hệ tiêu hóa chưa phát triển toàn diện nên trẻ bị đau bụng là điều mà các bé hay gặp phải. Tuy nhiên không vì thế mà các bậc phụ huynh lơ là những triệu chứng của bé vì rất có thể việc bé bị đau bụng là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng về đường ruột của trẻ. Hãy cùng Bé Khỏe Mẹ Vui tìm hiểu nhé!
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị đau bụng
Trẻ bị đau bụng thường khóc vào cùng một thời điểm trong tất cả các ngày. Thường là vào chiều muộn hoặc buổi tối. Bé khóc nấc không dứt mà không rõ nguyên nhân.
Nếu bị đau bụng, bé sẽ khóc rất to và mẹ rất khó dỗ dành để giúp bé bình tĩnh trở lại dù đã đã áp dụng nhiều cách ‘dụ dỗ’.
Để ý bạn sẽ thấy chân bé co lại, tay nắm chặt, bụng lên gân… khi khóc, đó là do cơn đau bụng đang hành hạ bé.
Khoảng 25% trẻ sơ sinh bị đau bụng. Trẻ thường mắc đau bụng vài tuần sau sinh và đến khi bé được 3 tháng tuổi, chứng bệnh này sẽ thuyên giảm. Mặc dù, có rất nhiều bé thường xuyên bị những cơn đau bụng hành hạ, nhưng tình trạng trẻ sơ sinh bị đau bụng sẽ được cải thiện đến 90% khi bé được 9 tháng tuổi.
Đặc biệt, nếu thấy da và niêm mạc bé tái nhợt, nôn nhiều, nôn ra nước hoặc máu, đau bụng kèm theo sốt, cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Không cho ăn, uống hay dùng bất kỳ một loại thuốc gì cho đến khi được khám.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đau bụng
Bác sĩ cũng chưa thể tìm ra câu trả lời chính xác gây nên chứng đau bụng ở bé sơ sinh nhưng có vài giả thuyết như sau:
Trẻ bị đau bụng do bị dị ứng sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò (hoặc ngay cả bé bú mẹ hoàn toàn cũng có nguy cơ dị ứng).
Nguyên nhân cũng có thể do chế độ dinh dưỡng của mẹ gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa và khiến bé bị đau bụng khi “ti mẹ”. Một vài người mẹ nhận ra rằng, khi họ cắt giảm thực phẩm chứa sữa, trứng, cá, sữa đậu nành, bột mỳ, lạc (đậu phộng) thì tình trạng quấy khóc ở bé cũng giảm.
Một trong những nguyên nhân khác khiến bé quấy khóc vì đau bụng là do hiện tượng khó tiêu (hoặc bé bị stress). Nhóm bé bú sữa ngoài thường gặp trục trặc với hệ tiêu hóa hơn nhóm bé bú mẹ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu vì lý do đặc biệt không thể cho bé bú mẹ, bạn nên chọn những loại sữa công thức có nguồn gốc gần với sữa mẹ.
Trẻ sơ sinh bị đau bụng phải làm sao?
Các bà mẹ có thể chữa trẻ bị đau bụng bằng cách sau đơn giản mà an toàn:
- Tắm cho bé bằng nước ấm và quấn bé trong khăn ấm
- Xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ lúc đói
- Vỗ lưng, vuốt lưng giúp bé ợ hơi
- Vận động 2 chân của bé theo vòng tròn như đạp xe đạp
- Bế bé, đung đưa bé và đi lại giúp bé nín khóc
- Cho bé dùng loại sữa đặc biệt dễ tiêu hóa
Cách phòng ngừa trẻ bị đau bụng
Phòng bệnh lúc nào cũng ưu tiên hơn chữa bệnh, cho nên để ngăn ngừa những tình huống xấu xảy ra thì các bạn nên phòng bệnh trước.
- Bố mẹ không được xoay lắc mạnh bé, sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của bé. Đặc biệt là sau khi ăn bố mẹ không được nhồi bé.
- Sau khi ăn 30 phút, bố mẹ dành thời gian để massage bụng cho bé. Bố mẹ xoay tay mình cho nóng ấm lên rồi áp lên vùng bụng của bé, xoa theo chiều kim đồng hồ, sẽ giúp cho bé không còn bị đầy hơi nữa và giúp cho bé ngủ ngon hơn, không quấy khóc đêm. Bố mẹ kết hợp với massage lòng bàn chân và cẳng chân để bé dễ dàng đi vào giấc ngủ.
- Không được tắm cho bé ngay sau khi ăn xong, đối với bé sơ sinh mẹ nên dùng hoàn toàn bằng nước ấm và trong quá trình tắm phải kết hợp với massage cho bé.
- Để đảm bảo an toàn cho bé thì mẹ nên vệ sinh núm vú, bình sữa sạch sẽ, để không bị nhiễm khuẩn.
- Bổ sung men vi sinh cho bé để hệ tiêu hóa được hoàn thiện ngay từ những ngày đầu tiên, giúp phòng ngừa các bệnh về hệ tiêu hóa mà các bé hay gặp.
- Mẹ cũng nên xem xét lại chế độ dinh dưỡng của mình, không ăn quá thừa hoặc quá thiếu chất dinh dưỡng sẽ dễ dàng dẫn đến hiện tượng trẻ bị đau bụng.
Nhưng về cơ bản thì khi bố mẹ thấy bé có những dấu hiệu bất thường nào thì nên liên hệ ngay với bác sĩ để được chữa trị đúng cách nhé!
0 Response to "Trẻ bị đau bụng phải làm sao?"
Đăng nhận xét