Việc cho bé ăn dặm lần đầu tiên là vô cùng quan trọng, vì đây là thời điểm mà bé lần đầu tiên được tiếp xúc với thức ăn khác mà không phải sữa mẹ. Sẽ có những phản ứng của trẻ mà mẹ không ngờ tới khi cho trẻ ăn dặm. Các mẹ hãy tham khảo bài viết để xử lý những tình huống một cách thông minh nhất nhé!
Mẹ nên làm gì trước bữa ăn dặm đầu tiên của bé?
- Mẹ cần phải vệ sinh tay chân cho bé thật sạch sẽ trước bữa ăn vì bé có thể cho tay vào miệng trong quá trình ăn. Đồng thời mẹ cũng nên vệ sinh sạch sẽ vị trí cho bé ăn dặm. Nếu bé đã biết ngồi, cần vệ sinh bàn ghế bé ngồi thật sạch.
- Không cho bé nằm khi ăn vì bé có thể bị nôn ọe, khó nuốt.
- Mẹ tắt hết tivi, âm thanh xung quanh để bé tập trung vào việc ăn uống. Nhờ vậy, khi bé dừng ăn mẹ sẽ biết bé đã no hoàn toàn chưa.
Những tình huống có thể xảy ra trong lần đầu tiên mẹ cho bé ăn dặm
- Bé không chịu ăn: Có thể bé không thích mùi vị thức ăn đó mà thích mùi vị khác. Mẹ có thể dừng bữa ăn lại hoặc sử dụng tay lấy thức ăn và quét xung quanh miệng để bé liếm láp. Nếu bé vẫn không chịu, tốt nhất mẹ dừng lại và cho bé ăn lại sau 1 – 2 tuần.
- Bé nghẹn, khó nuốt: Điều này sẽ dễ dàng xảy ra với một số bé ăn dặm lần đầu tiên nếu mẹ chưa khéo léo cho con ăn. Cách xử lí tốt nhất mẹ nên dừng bữa ăn và kiểm tra xem có phải bột quá đặc hay còn lợn cợn nhiều. Hãy đảm bảo bột loãng và nhuyễn. Đồng thời nên cho bé ăn từ từ, kèm theo chút nước lọc để hỗ trợ bé.
- Bé nôn trớ: Có vẻ bé đã đầy bụng rồi đó mẹ. Hãy dừng bữa ăn, lau sạch sẽ người cho bé và giúp bé uống một chút nước ấm, để bé nghỉ ngơi. Hãy bắt đầu cho bé uống sữa sau 1 tiếng tiếp theo vì lượng thức ăn trong người bé đã không còn nhiều.
- Bé không muốn ăn: Nếu bé không hợp tác, khóc lóc, đẩy thức ăn mẹ cũng đừng lo lắng và ép bé ăn. Có thể bé chưa đói hoặc không quen mùi vị thức ăn. Tốt nhất hãy dừng bữa ăn lại và cho bé ăn vào lần sau.
- Bé đi tiêu lỏng sau bữa ăn dặm đầu tiên: Điều này thường xuyên xảy ra với các bé lần đầu ăn dặm do hệ tiêu hóa của bé chưa sẵn sàng đón nhận lượng thực phẩm mới. Mẹ có thể theo dõi phân tiêu trong 3 ngày, cho bé ăn với số lượng ít. Nếu bé vẫn đi phân lỏng nghĩa là bé không hợp thực phẩm đó. Còn nếu bé dần đi đặc lại nghĩa là mẹ đã thành công khi cho bé ăn dặm.
Một số lưu ý khác cho mẹ
- Không nấu thực phẩm như rau, củ quá lâu dưới nhiệt độ cao vì có thể làm mất vitamin có trong chúng.
- Nên kiểm tra xem con có bị dị ứng thực phẩm hay không bằng cách, cho con ăn một ít thực phẩm đó và theo dõi khoảng 2 giờ đồng hồ. Có dấu hiệu dị ứng cần dừng việc ăn lại và đi khám bác sĩ ngay lập tức.
- Thực phẩm cần được nấu nhừ nhuyễn, tuyệt đối không cho bé ăn dặm bằng thức ăn thô ngay lần đầu ăn dặm hoặc ăn nguyên hạt thực phẩm ngũ cốc.
- Đa dạng hóa thức ăn của bé. Không nên cho bé ăn liên tục một loại bột vì có thể dẫn tới thiếu chất và biếng ăn ở bé.
- Thức ăn của bé còn thừa nên bỏ đi.
- Không nêm gia vị cho lần đầu bé ăn dặm vì có thể khiến bé mất đi khả năng đánh giá mùi vị của mình.
Bé có cần bú sữa sau khi ăn dặm?
Rất cần mẹ nhé. Thực tế, ăn dặm ở giai đoạn từ 6 tháng tuổi chỉ là bước khởi đầu để bé nếm các hương vị thức ăn mà thôi. Bé chưa ăn được nhiều và thức ăn chính vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Mẹ nên duy trì lượng sữa từ 400 ml – 500 ml /ngày với bé để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày.
0 Response to "Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm lần đầu tiên"
Đăng nhận xét